Thực hiện Kế hoạch công tác năm học 2022 - 2023, nhằm nâng cao kiến thức thực tế chính trị - xã hội cho sinh viên và để hoàn thành Chương trình đào tạo ngành Giáo dục công dân, từ ngày 21/3 đến ngày 26/3/2023, Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức cho sinh viên K45, K46, K47 (gồm 116 sinh viên) đi học tập thực tế tại các tỉnh miền Trung. Chuyến đi đã trang bị cho các em sinh viên nhiều kiến thức thực tế thú vị và phát huy được sự năng động, chủ động học hỏi, nắm bắt tình hình thực tế ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học.
Trưa ngày 21/3, đoàn học tập thực tế đến tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, đoàn đã dừng chân tại khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, nghiêng mình kính cẩn thắp nén hương tại nơi yên nghỉ của 10 cô gái mở đường đã anh dũng hy sinh, đảm bảo sự an toàn cho những đoàn xe Nam tiến chi viện cho miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Đoàn học tập thực tế khoa Giáo dục Chính trị tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)
Sáng ngày 22/3, đoàn khởi hành đến địa chỉ đỏ Thành cổ Quảng Trị. Nghe thuyết minh của hướng dẫn viên, các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về khu di tích, những chiến công lịch sử vẻ vang của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại tại mảnh đất này trong Chiến dịch Xuân Hè 1972.
Đoàn tại khu di tích Thành cổ Quảng Trị (Thị xã Quảng Trị)
Đoàn tiếp tục di chuyển về thành phố Đà Nẵng và tham quan Thành phố Hội An. Những nét cổ kính trong không gian phố cổ cùng với không khí nơi đây đã tạo cho các bạn sinh viên có những xúc cảm vô cùng đặc biệt. Nó gợi cho các bạn sự liên tưởng về một trong những thương cảng xưa tấp nập, giao thương buôn bán đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Sinh viên tham gia lễ hội thả đèn Hoa đăng tại Hội An (Quảng Nam)
Sáng ngày 23/3, các bạn sinh viên được tham quan làng nghề chạm khắc đá tại Ngũ Hành Sơn. Tại làng nghề các bạn đã có thêm những kiến thức thực tiễn về một mô hình sản xuất kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân - một thành phần kinh tế quan trọng đóng vai trò là động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay. Sau đó, đoàn đã tham quan tại chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà. Đây được xem là chốn linh thiêng bậc nhất, nơi mọi người có thể đến và cầu nguyện một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Cũng qua địa chỉ này các bạn sinh viên hiểu rõ hơn những kiến thức về tôn giáo đã được học tập trên giảng đường đại học.
Đoàn thực tế tại làng chạm khắc đá Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)
Sáng ngày 24/3, cả đoàn bắt đầu rời thành phố Đà Nẵng và xuất phát về Huế. Đặc biệt, trong quá trình di chuyển, đoàn đã dừng chân tham quan Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định – nơi thờ tự của 02 trong số 13 đời vua Triều Nguyễn - Triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Tại Lăng, đoàn đã được nghe giới thiệu về vai trò của các vị vua Triều Nguyễn đối với tiến trình phát triển của lịch sử nước nhà. Điều này đã giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc và càng tự hào hơn về truyền thống quê hương đất nước.
Đoàn tham quan và chụp ảnh tại Lăng Khải Định (Huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế)
Tại Huế, đoàn còn tham quan Đại Nội, Cung đình Huế. Ở đây, các bạn sinh viên đã tìm hiểu về nhã nhạc cung đình Huế, kiến trúc thời nhà Nguyễn nhằm trau dồi kiến thức về văn hoá dân tộc, hiểu được những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy.
Cán bộ và sinh viên khoa Giáo dục Chính trị trong trang phục cổ phục tại Đại nội Cung đình Huế
Ngày 26/3 - ngày cuối cùng của chuyến học tập thực tế. Hoà cùng không khí cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đoàn di chuyển về thăm quê nội, quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, các bạn sinh viên được nghe thuyết minh và hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời của Người. Từ đó, các em có thêm sự hiểu biết và càng kính trọng hơn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Sinh viên khoa Giáo dục Chính trị nghe thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người
Trong suốt quá trình tham quan, học tập thực tế dọc miền Trung, dưới sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ quản lý, sinh viên Khoa Giáo dục Chính trị đã được tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc. Từ những trải nghiệm đó, các em được bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, biết trân trọng quá khứ, tích cực học tập để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường.
Vũ Nam