Từ ngày 21/09 - 27/09 dưới sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các thầy cô giáo khoa Giáo dục Chính trị và đặc biệt là cô TS. Lê Thị Minh Thảo – Phó trưởng Khoa Giáo dục Chính trị - Trưởng đoàn, chuyến tham quan, học tập thực tế miền Trung của sinh viên K48, K49 Khoa Giáo dục Chính trị đã thành công tốt đẹp. Những ngày trải nghiệm tại nơi đây không chỉ mang lại những kiến thức thực tiễn bổ ích mà còn giúp sinh viên khoa Giáo dục Chính trị càng thêm hiểu về truyền thống, về văn hóa, về con người và dấu ấn lịch sử hào hùng của vùng đất đầy nắng và gió nơi đây.
Hành trình của đoàn thực tế được bắt đầu từ việc tìm hiểu về các di tích lịch sử và những địa chỉ “đỏ” - nơi ghi dấu những chiến công hào hùng của dân tộc như: Khu di tích làng sen quê Bác tại xã Kim Liên, Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt - Thành cổ Quảng Trị - nơi yên nghỉ của hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ,… Các bạn sinh viên K48, K49 Khoa Giáo dục Chính trị đã có cơ hội gặp gỡ con người nơi đây, nghe họ kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc, cảm nhận được lòng yêu nước và tinh thần kiên cường bất khuất của thể hệ cha anh.
Hình ảnh 1: Toàn đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại quê Bác.
Hình ảnh 2: Giảng viên và sinh viên Khoa GDCT thăm viếng tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Trong chuyến hành trình này, đoàn thực tế còn tới tham quan, học tập tại những lăng tẩm, những ngôi chùa nổi tiếng, những địa điểm mang đậm nét văn hoá người Việt như: Lăng Vua Khải Định, Lăng Vua Minh Mạng, Lăng Vua Tự Đức, Ngôi chùa cổ bậc nhất Cố đô - Chùa Thiên Mụ, Chùa Linh Ứng Đà Nẵng - chốn linh thiêng giữa thiên nhiên kỳ vĩ, Di sản văn hoá thế giới - Phố cổ Hội An, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du,… Từ đó, giúp các bạn sinh viên càng thêm hiểu hơn về những nét văn hoá đặc sắc, đậm đà của dân tộc Việt Nam và càng thêm yêu hơn nữa sự xinh đẹp của mảnh đất hình chữ “S” thân yêu.
Hình ảnh 3: Giảng viên và tập thể sinh viên lớp K49B chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Vua Khải Định
Hình ảnh 4: Giảng viên và tập thể sinh viên lớp K48A chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Vua Khải Định.
Hình ảnh 5: Giảng viên và tập thể sinh viên lớp K49B chụp ảnh lưu niệm tại chùa Thiên Mụ.
Hình ảnh 6: Sinh viên tham quan, ngắm nhìn Phố cổ Hội An về đêm.
Hình ảnh 7: Toàn đoàn thực tế tham quan, lắng nghe thuyết minh tại Khu di quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du.
Mỗi chuyến đi là một hành trình, mỗi một hành trình là một cơ hội để các bạn sinh viên Khoa Giáo dục Chính Trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức thực tiễn vô cùng bổ ích để phục vụ cho quá trình giảng dạy, làm việc sau này. Và đặc biệt trong chuyến hành trình tìm hiểu về các di sản miền Trung, các địa chỉ “đỏ”, sinh viên đã được giáo dục về truyền thống yêu nước, sự kiên trung, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì hai tiếng “ĐỘC LẬP, TỰ DO” cho dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, cũng giúp cho các bạn sinh viên thêm hiểu hơn về văn hoá của từng vùng miền, tự hào hơn về truyền thống anh hùng của dân tộc để các bạn thêm yêu mến mảnh đất hình chữ “S” nhỏ bé nhưng đầy kiên cường, bất khuất.
Hình ảnh 8: Toàn đoàn thực tế chia tay và cảm ơn sự đồng hành của Công ty cổ phần du lịch quốc tế Phúc Lâm trong suốt chuyến hành trình vừa qua
Chuyến hành trình dù chỉ vỏn vẹn 7 ngày 6 đêm ngắn ngủi trên dọc dải đất miền Trung thân yêu, song đã để lại những dấu ấn, những kỷ niệm khó phai trong lòng tất cả các bạn sinh viên khóa K48, K49 khoa Giáo dục Chính trị. Qua hành trình đó, mỗi sinh viên Khoa Giáo dục Chính trị hôm nay càng ý thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân mình đối với sự phát triển của nước nhà, để từ đó không ngừng học tập, rèn luyện nhằm góp phần vào việc hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để thay cho lời kết về hành trình trải nghiệm thực tế này, chúng tôi xin được nhắc lại câu nói nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng:
“…Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì.
1, Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?
2, Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn?
3, Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.