Sáng ngày 24/09/2024, trước khi rời khỏi Xứ Huế mộng mơ thì tập thể sinh viên khóa K48, K49 khoa GDCT trong chuyến thực tế đầy ý nghĩa đã có cơ hội ghé thăm làng nghề làm hương truyền thống-một trong những biểu tượng về nét đẹp văn hóa của Xứ Huế.
Một làng nghề với truyền thống làm hương lâu đời. Mỗi một nén hương thơm là biểu tượng cho tấm lòng thành kính, thơm thảo của những người đang sống gửi tới những người đã khuất. Đây cũng được coi là một phương thức để kết nối giữa cõi âm-cõi dương, nén hương đi vào đời sống người Việt quan trọng như thế.
Hình ảnh 1: Sinh viên khoa GDCT chụp ảnh lưu niệm tại làng hương Xứ Huế
Thông qua chuyến ghé thăm lần này, các bạn sinh viên đã có những trải nghiệm hết sức thú vị khi được tự tay làm ra nén hương với những nguyên liệu hết sức giản đơn như: hồ keo, bột quế, bột gỗ…Không những thế, thứ đọng lại trong tâm trí của mỗi bạn sinh viên khi có cơ hội ghé thăm nơi đây có lẽ là cách mà người dân nơi đây bài trí, sắp xếp với những chân hương đủ sắc màu được sắp thành từng bó, từng bó đầy nổi bật trên nền tường vàng vốn là đặc trưng của xứ Huế. Và cả sự dễ thương, hiếu khách của cô chú, anh chị nơi đây. Trong suốt quá trình làm ra nén hương, bên cạnh các bạn sinh viên luôn có những lời hướng dẫn tận tình: “Con lăn nhẹ và đều tay chút nghen,hương sẽ đều và đẹp hơn” với nhịp điệu nhẹ nhàng cùng ánh nhìn đầy thương mến.
Hình ảnh 2: Sinh viên tự tay làm hương dưới sự hướng dẫn của các cô (chú) trong làng
Rời khỏi làng hương trong sự lưu luyến, đoàn tiếp tục ghé thăm chùa Thiên Mụ-Một ngôi chùa được xứng danh là “Đệ nhất cổ tự”. Không chỉ đơn thuần là chốn tâm linh, chùa còn sở hữu những thắng cảnh đẹp với lối kiến trúc đầy ấn tượng. Dường như điều này chỉ có và chỉ thuộc về duy nhất mảnh đất Cố đô. Chùa từ lâu đã đi vào trong tâm thức của người Việt thông qua câu ca dao quen thuộc.
“ Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”.
Chùa có một cổng chính dùng để ra-vào được gọi là”Cổng tam quan”. Ngay khi bước vào nơi đây, đoàn bắt gặp “Tháp Phước Duyên”, toà tháp được coi là biểu tượng, là “linh hồn” của chùa Tháp Phước Duyên đã cùng các công trình khác tạo thành một tổ hợp gắn kết mang nét độc đáo, khác lạ nhưng vẫn đậm chất Huế.
Hình ảnh 3: Toàn đoàn đã có mặt và thăm quan tại chùa Thiên Mụ
Nằm ở ngay chính điện chùa Thiên Mụ, Điện Đại Hùng là nơi thờ cúng Phật Di Lặc - Vị thần mang niềm vui vô tư vô lo. Bức tượng khắc họa Phật Di Lặc với dáng vẻ hiền hòa, đôi tai to tinh thông, chiếc bụng lớn chứa sự bao dung và một nụ cười nhân hậu. Điện được xây dựng hoàn toàn bằng xi măng đặc. Bên cạnh được sơn lại màu gỗ, cho ta cảm giác gần gũi, thân quen. Nơi đây còn lưu giữ bức đại tự và chiếc chuông hình nhật nguyệt bằng đồng vô cùng tinh tế.
Cuối khuôn viên của chùa là khu lăng mộ của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu. Người đã dành cả đời cho sự phát triển của Phật giáo và đã nhận được sự yêu mến của nhân dân. Khi viên tịch, hòa thượng đã được chôn cất dưới tháp nằm ở cuối khuôn viên để bày tỏ lòng thành kính. Chùa Thiên Mụ đã là điểm đến cuối cùng của đoàn tại mảnh đất Cố đô.
Dù có chút không lỡ, song hành trình phía trước còn dài với thật nhiều trải nghiệm và bài học mới mẻ. Đoàn đã ngậm ngùi chia tay Huế để tới với Hội An (Quảng Nam). Tại đây tập thể các thầy cô cũng như các bạn sinh viên lại tiếp tục có những kỉ niệm khó quên khi được thăm quan một số địa điểm nổi tiếng như Chùa Cầu, hội quán Quảng Đông, bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh… Để rồi từ đó thêm hiểu về một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam, hiểu về cả những hội quán giao thương và cả những công trình kiến trúc đặc trưng của nơi đây. Đã từng là một xứ cảng vô cùng sầm uất của Đàng Trong nói riêng, Đông Nam Á và trên thế giới nói chung. Hội An vừa mang trong mình nét cổ rất riêng vừa có sự nhộn nhịp của một xứ cảng nức tiếng một thời.
Hình ảnh 4: Sinh viên thăm quan chùa Cầu (Hội An)
Di chuyển thêm một đoạn ngắn tầm vài trăm mét, đoàn có dịp ghé thăm hội quán Quảng Đông được xây dựng bởi cộng đồng người Quảng Đông (Trung Hoa). Tuy không rõ năm xây dựng xong dựa vào thời gian trùng tu có thể biết rằng hội quán đã gần 200 năm tuổi, nhằm bày tỏ lòng thành kính với quan công Quan Vân Trường với bốn phẩm chất đáng quý: Trung-Tín-Tiết-Nghĩa. Ngoài ra, hội quán còn thờ thêm Thần Tài và Thiên Hậu thánh mẫu (vị thần biển) để cầu tiền tài, phát đạt cũng như sự thuận lợi trong những hải trình dài ngày. Như vậy, một công trình kiến trúc như Hội quán rõ ràng đâu chỉ có ý nghĩa về mặt kiến trúc mà còn mang ý nghĩa tâm linh, phản ánh niềm tin, thế giới quan của một bộ phận dân cư.
Hình ảnh 5: Sinh viên thăm quan hội quán Quảng Đông
Cũng trong khuôn viên phố cổ Hội An, đoàn ghé thăm bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh trong một ngôi nhà mang kiến trúc kiểu Pháp. Bảo tàng đã cho ta cái nhìn bảo quan nhất về một trong ba nền văn hoá hình thành trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc và văn hoá Óc Eo ở miền Nam, văn hoá Sa Huỳnh đã đặt nền móng cho nền văn minh của loài người trên mảnh đất chữ S thân thương. Với tổng 971 kỉ vật hiện đang được lưu trữ tại đây, khi thăm quan, đoàn đã phần nào có thêm những hình dung, hiểu biết về nền văn hoá này như: Đồng tiền họ dùng, trang sức họ đeo,…
Hình ảnh 6: Sinh viên ghé thăm, tìm hiểu bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh
Hiểu hơn và yêu hơn phố cổ Hội An có lẽ là điều mà mà tất cả các bạn sinh viên và giảng viên khoa GDCT có thể tự mình cảm nhận được sau chuyến tham quan này. Xe đã lăn bánh từ lâu nhưng trong tâm trí mỗi người vẫn cứ văng vẳng tiếng chị thuyết minh cùng bộ áo dài thướt tha.
Ngày thứ 4 của chuyến thực tế lại một lần nữa cung cấp và củng cố cho các bạn sinh viên những kiến thức hấp dẫn, gắn liền với thực tiễn. Dù di chuyển đường dài không tránh khỏi đôi chút mệt mỏi nhưng với tinh thần “đi để học, để hoàn thiện chính mình”các thành viên trong đoàn luôn giữ cho mình một trạng thái tinh thần tốt nhất, tiếp thu và hoàn thiện tri thức cho chính mình như lời dạy từ ngàn đời nay của cha ông:
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
(Tục ngữ)