Thực hiện Kế hoạch công tác năm học 2023 -2024, đồng thời hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 16/5/2024, Khoa Giáo dục Chính trị đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu hiện của sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh".
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học uy tín trong và ngoài Nhà trường như: GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018; Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh - Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; TS, Đại tá Phan Xuân Dũng - P.Giám đốc Trung tâm GDQP&AN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; TS. Nguyễn Quang Thuận - Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính; TS. Nguyễn Thị Hà – Trợ lý khoa học Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Về phía khoa Giáo dục Chính trị có TS. Trần Thị Hồng Loan - Trưởng khoa, TS. Lê Thị Minh Thảo - Phó Trưởng khoa cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và đại diện sinh viên khoa Giáo dục Chính trị.
Hội thảo diễn ra trong những ngày đáng nhớ khi toàn dân sôi nổi tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác để kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoạt động này càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào những ngày cả nước hướng về Điện Biên, hướng về Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tự hào, tưởng nhớ về những chiến công năm xưa gắn với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những anh hùng, chiến sĩ “đầu nung lửa sắt”. Thông qua Hội thảo này, chúng ta sẽ ôn lại và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Loan – Trưởng Ban Tổ chức khẳng định Hội thảo được tổ chức hôm nay mang tính chất truyền thống, thường niên của khoa Giáo dục Chính trị nhằm kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng năm nay được diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Chúng ta đang được sống trong những ngày tháng 5 của lịch sử, tháng của chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với non sông, đất nước, con người Việt Nam. Nhờ những con người và những chiến công ấy, hôm nay chúng ta được sống và làm việc trong hoà bình, ấm no, hạnh phúc. Do đó, trước hết mỗi chúng ta phải tưởng nhớ tới các thế hệ cha, ông đã nằm xuống trên đất mẹ, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và của mỗi chúng ta hôm nay; đồng thời, chúng ta nguyện thực sự học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để góp phần hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
TS Trần Thị Hồng Loan - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo trình bày Báo cáo đề dẫn và khai mạc Hội thảo
Với tư cách là đại biểu khách mời, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết đã trình bày báo cáo với tiêu đề “Điện Biên Phủ - một vài kí ức và câu hỏi vì sao?”. Qua những câu chuyện kí ức xúc động, chân thực như những trang tư liệu có thật về Điện Biên, Giáo sư đã nhấn mạnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết liễu chế độ thực dân Pháp, cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mình. Điện Biên Phủ đã làm cho nhân dân toàn thế giới biết đến đất nước Việt Nam và tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Giáo sư đã khép lại báo cáo bằng lời dặn dò tâm huyết đến thế hệ trẻ: “Điều chúng ta cần làm hơn là học tập tinh thần Điện Biên Phủ, học tập cha ông để viết lên những trang sử mới, đưa dân tộc ta “bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết trình bày báo cáo tại Hội thảo
Lần đầu tiên đến với Hội thảo, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh - Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã bày tỏ sự vinh dự và vui mừng của bản thân và trao đổi với Hội thảo báo cáo với tiêu đề “Tinh thần dấn thân của tuổi trẻ trong kháng chiến chống Pháp”. Trung tá đã đàm thoại sôi nổi cùng sinh viên trong Khoa về nội dung thế nào là “tinh thần dấn thân của tuổi trẻ” và khẳng định chính tinh thần dám hết mình vượt qua khó khăn, thử thách để cống hiến và hy sinh của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh đã làm nên thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp. Từ đó, Cô mong muốn các em sinh viên khoa Giáo dục Chính trị nói riêng, tuổi trẻ nói chung hãy dùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, dùng tri thức và năng lực của mình, dám “dấn thân” cho Tổ quốc để chung tay xây dựng đất nước phồn vinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh trao đổi với sinh viên Khoa GDCT
Ban Tổ chức Hội thảo vinh dự và vui mừng được tiếp nhận các bài tham luận từ các nhà giáo, nhà khoa học và đã tuyển chọn được gần 30 bài viết chất lượng đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Trong buổi Hội thảo, các đại biểu đã lần lượt lắng nghe các báo cáo của các báo cáo viên: “Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ”của TS. Vi Thị Lại, khoa GDCT; “Phương châm "đánh chắc, tiến chắc" - bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ” của TS. Trần Thị Chiên, khoa GDCT cùng những trao đổi thảo, luận trực tiếp của các nhà khoa học tham dự Hội thảo. Các ý kiến khoa học đã cho thấy sự phong phú và đa dạng trong các góc độ tiếp cận để làm rõ những nội dung quan trọng khi bàn về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần làm nên thắng lợi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, từ giá trị lịch sử để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với những hy vọng gửi gắm tới sinh viên Khoa Giáo dục Chính trị: Thế hệ các em sẽ còn phải làm nên những Điện Biên Phủ mới trên mặt trận xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa “Non sông Việt Nam trở nên vẻ vang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” - như Bác Hồ hằng mong ước và đặt niềm tin vào lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam.
Dưới đây là một vài hình ảnh của Hội thảo:
Các Báo cáo viên trình bày tham luận
Các nhà khoa học trao đổi tại Hội thảo
Tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên khoa GDCT cùng các nhà khoa học