Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hội nhập trở thành một xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập vẫn là xu thế lớn. Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011) của Đảng đã đưa ra quan điểm “Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”. Xu thế hội nhập quốc tế đã tác động lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cả về vận hội, thời cơ lẫn thử thách.
Hiện nay, thế giới đã có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, khó lường.. Những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh,.v.v.. sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà muốn giải quyết được phải có sự chung tay, góp sức của tất cả các nước trên thế giới. Ở bình diện kinh tế, chính trị, văn hóa, sự ngột ngạt và căng thẳng do chia rẽ và bất đồng về lợi ích giữa các quốc gia và các khối liên minh đang làm cho an ninh thế giới đứng trước nguy cơ khó lường. Tại Việt Nam, mối quan hệ giữa ổn định và phát triển, giữa phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa giữ vững chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế .v.v.. thể hiện trong những đường nét phức tạp, với những gam màu tương phản nhau. Tất cả những vấn đề chính trị - xã hội ấy cần được nhận thức, nắm vững và xử lý một cách hiệu quả và bản lĩnh. Riêng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo hiện nay, việc nhận thức những vấn đề trên càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi, chỉ khi nắm vững và xử lý hiệu quả, bản lĩnh các vấn đề chính trị - xã hội đó, giáo dục đào tạo Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện hiện nay. Và đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ nhà giáo nói chung, trong đó có đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói riêng, những người đang đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh tư tưởng hôm nay. Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, hòa cùng với không khí kỷ niệm 50 năm thành lập Trường, ngày 14-12-2017 vừa qua Khoa Giáo dục Chính trị - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã chủ trì và tổ chức Hội thảo với chủ đề Chính trị - xã hội trong thời kỳ hội nhập: Những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của gần 100 nhà giáo, nhà khoa học từ hơn 30 đơn vị trên khắp cả nước, với 92 bài viết được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo.
Các tham luận đã cho thấy sự phong phú và đa dạng trong các góc tiếp cận vấn đề chính trị - xã hội nhưng đều tập trung làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn của các vấn đề đó đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Hầu hết các bài viết đều thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, tha thiết với sự nghiệp đổi mới. Không ít bài viết bày tỏ sự trăn trở, băn khoăn của nhà khoa học trước những bất cập, mâu thuẫn trong những vấn đề chính trị - xã hội hiện nay, nhất là trong công tác lý luận, đào tạo lý luận chính trị, đồng thời gợi mở những ý tưởng quý báu cho việc phát triển tư duy lý luận nước nhà, mà đặc biệt là góp phần vào việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, nhất là những vấn đề giáo dục và đào tạo hiện nay.
Dưới sự chủ trì của các nhà khoa học là các giáo sư đầu ngành Hội thảo đã diễn ra trong không khí thảo luận trao đổi hăng say sôi nổi.