PGS,TS. Vi Thái Lang
Trưởng khoa Triết học và CNXHKH
Học viện Chính trị CAND
Sống trên đời này, làm người, ai cũng từng có những lúc rơi lệ, có thể vì những nỗi buồn thê thảm, nhưng cũng có thể là do niềm vui bất tận đến với mình quá bất ngờ mà người ta thường nói là không tin vào mắt mình. Những giọt nước mắt ấy đều để lại cho chủ nhân của nó một sự ân hận hối tiếc, một sự căm giận đến tột cùng hoặc cũng có thể là mang ơn huệ với một tập thể hay cá nhân nào đó bởi họ đã đem lại hạnh phúc cho mình. Nhưng cũng có những giọt nước mắt vu vơ không biết buồn hay vui và chủ nhân của nó cũng không biết là nên giận hay nên ơn ai bởi thời gian tưởng như đã mang đi tất cả những hoài niệm, những quá khứ;v.v. Nhưng không, nó vẫn còn nguyên, như mới diễn ra hôm nào, ngay đây thôi mà.
Tại sao lại như thế ư? Tại vì cái quá khứ đó vô cùng dữ dội, nó không chỉ là chuyện khó khăn của một trường, một tỉnh mà là khó khăn chung của cả nước, không chỉ là sự thơ dại của lứa tuổi học trò và sự ngơ ngác của một đứa trẻ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ra thành thị, mà còn là chuyện của một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, bơ vơ giữa dòng đời đầy bão giông, nhờ có thầy cô, bè bạn ở trường Dân tộc Nội trú Tuyên Quang – nơi tôi từng học tập, và Trường ĐHSP Hà Nội 2 – nơi tôi từng công tác, mà hôm nay chủ nhân của nó lại “nước mắt rơi vì quá là vui”.
PGS.TS Vi Thái Lang và sinh viên Khoa GDCT
Sự náo nhiệt của xã hội thông tin hiện đại và sự chóng vánh của những vòng xoáy trong cuộc đời đã làm cho tôi đôi khi không có thời gian để mà nhớ đến quá khứ của mình, cứ như vậy, tưởng chừng quá khứ đã nằm im, phẳng lặng như chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng cứ mỗi độ hè về, tết đến, trong tôi lại tràn về những kỷ niệm của tuổi học trò, tự mình thấy mơ màng, vui vui, buồn buồn, rồi tự trách mình, tự khen mình và nước mắt lại rơi. Không rơi làm sao được, hồi ấy mới 6 tuổi, bố tôi đã mất và 9 tuổi mẹ tôi cũng đã ra đi với bố tôi, để tôi lại với cái làng quê nghèo phải đi bộ cả ngày mới đến phố huyện Na Hang. May nhờ có Chính sách Dân tộc của Đảng và Nhà nước, tôi được đi học ở trường Dân tộc Nội trú Tuyên Quang từ năm lớp 4. Dẫu là đã được Nhà nước nuôi ăn học, nhưng đất nước đang còn chiến tranh trên biên giới, cho nên đói là chuyện thường xuyên, chẳng thế mà nhiều đứa bạn đã không chịu nổi cái khổ, cái đói lúc đó đã bỏ học về quê. Đối với tôi, những ngày đói khổ ấy cũng là đáng ngại nhưng vẫn có thể qua được, vì tôi đã nghĩ ra rất nhiều cách để đỡ đói phần nào. Thỉnh thoảng, tôi đi lấy củi để bán hay đổi lấy cái ăn; đi hái rau rừng để cải thiện; đi làm giúp dân xung quanh để được mời ăn; v.v. Nhưng có một thứ không cách nào để có, đó là tình cảm từ phía gia đình. Thôi thì thường ngày, các bạn nhận được thư của gia đình, có người thân đến thăm mang cho đồng quà tấm bánh, mình trông thấy rồi tự rơi nước mắt, bạn mình vui bao nhiêu lòng mình se lạnh đau nhói bấy nhiêu bởi mình cứ mong mãi, mong hoài cũng chẳng có một chút chút nào dù là nhỏ nhoi nhất những tình cảm đó. Cái buồn của tuổi thơ cũng không vấn vương được lâu bởi trong nội trú rất đông học sinh, xung quanh còn đầy thứ để nô đùa, để cười và nhất là có các thầy, các cô, có bác phục vụ cũng hiểu cho hoàn cảnh của tôi, nên tôi được chăm sóc ân cần hơn, được sai vặt và nhắc nhở nhiều hơn và hay được các thầy cô gọi sang nhà để chơi, để cho ăn;v.v.. Đáng sợ nhất đối với tôi ngày đó không phải cái ăn, cái mặc mà chính là những ngày nghỉ tết, nghỉ hè, lũ bạn chúng nó mong ngóng, đợi chờ khấp khởi vì sẽ được nghỉ ngơi chơi bời thỏa thích, được về để sum họp vui vẻ với gia đình thì với tôi đó thực sự là những ngày cô đơn, hiu quạnh vì cả trường vắng tanh, vắng ngắt, chỉ còn lại một mình tôi là học sinh và vài thầy cô trực trường .
Tôi nhớ mãi những ngày hè oi ả, một mình tôi bì bõm khắp những bờ kênh, bờ ruộng để mò cua, bắt ốc, thầy Đăng hiệu trưởng trực trường lúc đó đã phải gọi tôi đến dọa: thầy phải trói em lại ở gốc cây xà cừ trước cửa phòng để thầy ngủ trưa cho yên tâm, lúc đó tôi cũng ngoan ngoãn vâng ạ, nhưng thầy lại nói, nếu không đi mò linh tinh nữa thì thầy thôi. Không lo làm sao được, không dọa làm sao được, bởi một đứa trẻ lớp 5 làm sao đã hiểu hết được dưới ánh nắng như thiêu, như đốt của mùa hè sẽ nguy hiểm như thế nào, đó là chưa kể dưới những dòng kênh ấy nào là rắn độc, nào là đuối nước;v.v. Tình thầy trò nhưng khác nào tình cha con, có như vậy Thầy mới để mắt đến tôi như thế. Tôi nhớ mãi thầy Lình, một thầy giáo thật sự là vô sản, cùng ăn cơm với học sinh, chưa có gia đình và có đồng nào cũng sẵn sàng chi tiêu hết cho học sinh, thầy là thủ kho của trường, nhưng đứa nào ốm là thầy sẵn sàng xúc gạo nấu cháo, xúc đường cho ăn để đến nỗi suýt bị kỷ luật vì hụt kho. Có lần tôi với thầy đi kiếm củi để bán cho lò gạch những mong sẽ có một khoản tiền đáng kể để chi tiêu, thấy thiên hạ họ chặt ầm ĩ khu rừng lim gần trường, thầy trò tôi cũng lên đó để chặt, nhưng vừa mới đốn chưa được một cây đã bị kiểm lâm bắt quả tang thu hết cả dao búa làm tôi sợ run lên bần bật, may mà chú kiểm lâm thấy là ở trường dân tộc nội trú nên tha cho không phạt.
Ngày còn nhỏ tôi đâu có hiểu được những phong tục, lễ nghi truyền thống của dân tộc, nhưng tôi rất nhớ và thích thầy Ban, nhà thầy ở gần trường, thầy nuôi nhiều bò lắm, thầy cũng là người căn cơ nhưng cứ mỗi lần tết đến thầy lại gọi tôi: mày là đứa nhanh nhẹn ra xông nhà lấy may cho thầy, những lúc đó không những được ăn no mà còn được thầy cho tiền mừng tuổi, bởi có mấy ai cho tôi tiền bao giờ đâu. Khi trở về phòng một mình thích thú giở những đồng tiền ra nước mắt tôi lại rơi vì lúc đó tôi đã phần nào hiểu được sự thiệt thòi của mình. Thầy nhờ việc đó sau này tôi mới hiểu là bạn Xuân Anh con trai của thầy học nhờ ở lớp tôi đã kể về hoàn cảnh của tôi cho thầy, nên thầy đã nghĩ cách để tôi được ăn tết mà không ngại. Người thầy còn đang rất lam lũ, tằn tiện để nuôi vợ, nuôi con mà vẫn cố giành một phần tình cảm và vật chất nhỏ thôi nhưng là rất lớn khi đó cho tôi, thật là thầy là cha, là mẹ của tôi. Còn rất nhiều, rất nhiều hình ảnh các thầy cô và các bác phục vụ với những tấm lòng nhân ái, tận tình dìu dắt, giúp đỡ tôi cũng như hàng nghìn con em các dân tộc thiểu số khác mà tôi không thể kể hết ở trang giấy này, chỉ biết rằng: Công ơn các thầy, các cô, các bác phục vụ được Đảng, Nhà nước ghi nhận, được con em các dân tộc thiểu số mang ơn. Trong sự trưởng thành của tôi, của các bạn hôm nay có mồ hôi, công sức của các thầy, các cô. Lẽ đương nhiên, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, cùng với những chính sách dân tộc hết sức nhân văn của Nhà Nước thì có lẽ cũng không thể có cũng không thể có những kỷ niệm, hạnh phúc và những niềm vui tuyệt vời như vậy đến với tôi cũng như muôn vàn những người con thuộc các dân tộc thiểu số trên đất Việt như hiện nay.
Thời gian trôi đi, tôi đã trở thành sinh viên Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Mùa thu năm 1988, năm đầu tiên tôi lên đại học, mọi thứ với tôi đều vô cùng lạ lẫm. Lạ lẫm với đường xá đông đúc, với thành phố xa hoa và cả những gương mặt mới. Hành trang nhập học của tôi khi đó là vài bộ quần áo và ít đồ dùng cá nhân. Nhưng cũng ngay từ những ngày đầu, tôi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chân tình của thầy cô, bè bạn – điều có vẻ như rất bình thường với người khác, nhưng đối với tôi đó là một niềm hạnh phúc và may mắn vô cùng. Cũng từ đây, tôi bắt đầu hành trình viết tiếp giấc mơ của mình.
Năm 1993, sau khi ra trường, tôi về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Chính nhờ sự giúp đỡ của những đồng nghiệp đi trước và các thế hệ lãnh đạo của Nhà trường đã tạo động lực, truyền cảm hứng để tôi thêm yêu nghề và có trách nhiệm với công việc. Cũng trong suốt hành trình dạy học đó, đối với tôi, tài sản quý giá nhất vẫn luôn là thầy cô, bạn bè và học trò của mình. Thấm thoắt công việc “trồng người” của tôi đã trải qua 40 năm với những niềm vui xen lẫn những nỗi buồn. Người ta thường ví nhà giáo như một người lái đò thầm lặng, miệt mài qua lại giữa đôi bờ đưa khách qua sông. Trong suốt thời gian “chèo đò” của mình, tôi đã gắn bó với con đò nhiều kỷ niệm là Khoa Giáo dục Chính trị, Trường ĐHSP Hà Nội 2, chèo lái nhiều chuyến đò đưa khách băng qua dòng sông tri thức, cập bến an toàn để đi tiếp đến những miền đất mới. Chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò từng học tập ở khoa, đối với tôi, đó là một niềm vui lớn nhất trong cuộc đời giảng dạy. Tôi còn may mắn được hưởng trọn vẹn niềm vui khi làm việc trong một môi trường mà thầy cô và đồng nghiệp của mình đều là những người luôn đề cao sự tự học, sự dấn thân, lòng tự trọng, sự nhân hậu và khát vọng chân chính chinh phục tri thức mới. Từ Khoa Giáo dục Chính trị, rất nhiều thầy cô sau này đã có những đóng góp lớn vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà, như: GS. TS. Nguyễn Hữu Khiển, PGS. TS. Nguyễn Hữu Cát, PGS. TS. Vũ Quang Vinh, Thầy Nguyễn Văn Nhớn, TS. Lê Văn Túc, TS. Khuất Thị Hoa, Thầy Trần Thế Vĩnh, Thầy Nguyễn Công Tiến, v.v.. và không ít người đã đạt tới trình độ cao trong nghiên cứu và giảng dạy. Tôi luôn tin tưởng rằng, các cán bộ trẻ của Khoa Giáo dục Chính trị hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục hoàn thành tốt vai trò “mở đường”, kiến tạo và giữ trọn tình yêu đối với nghề.
Hiện nay, khi đã công tác ở một cương vị với là Trưởng khoa Triết học và CNXHKH, Học Viện Chính trị Công an Nhân dân, nhưng mỗi khi nghe nhắc đến tên Trường ĐHSP Hà Nội 2, trong đó có Khoa Giáo dục Chính trị, tôi đều hãnh diện và tự hào, vì biết mình luôn thuộc một phần trong đó. Tôi thường tự nhủ với mình rằng, tôi nhờ ơn Đảng, Nhà nước mới có ngày hôm nay. Tôi còn mắc nợ quê hương nhiều thứ. Và lúc này, tôi muốn khẳng định thêm rằng, tôi cũng mắc nợ với cả mảnh đất Xuân Hoà, nơi tôi đã sống và làm việc – đó là món nợ ân tình.
Trở về Khoa Giáo dục Chính trị ngày hôm nay, giữa chúng tôi và các em sinh viên trong Khoa là khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng trước đây, chúng tôi và các đều có điểm giống nhau, đó là tuổi trẻ, là sự nhiệt huyết và năng lượng tràn đầy. Cái khác là, các em đang sống trong một thế giới đổi thay nhanh chóng – thế giới luôn tạo cho các em nhiều cơ hội nhưng cũng có những thách thức. Nhưng chúng tôi tin ở các em, tin ở những thế hệ sau sẽ kế thừa và vượt trội hơn thế hệ đi trước. Trên đời này, không có gì quan trọng bằng việc học để làm người có trách nhiệm, học để thay đổi chính mình. Hành trình từ hồng hoang mông muội, đến văn hóa, văn minh của nhân loại luôn gắn với ngọn đèn và trang sách, luôn gắn với hai chữ Thầy - Trò là vì vậy.
Xa trường, mỗi người đều bề bộn với công việc và cuộc đời của mình, nhưng chắc hẳn mọi người đều canh cánh trong lòng một nỗi nhớ, đó là nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ Trường, nhớ Khoa. Riêng tôi, chắc là nước mắt vẫn còn rơi mỗi độ xuân về hè đến. Các em sinh viên thân mến, các em học tập dưới mái nhà thứ 2 Khoa GDCT và chắp cánh ước mơ trên mọi miền khi rời nơi đây. Đường đời tấp nập, có nước mắt và nụ cười, có lúc sóng gió, khi bình yên các em hãy luôn nhớ về nơi đây như một chốn neo đậu tâm hồn mình nhé, Thầy cùng các Thầy/Cô luôn đợi các em trở về.
Người thầy vần lặng lẽ đi về sớm trưa
Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy,
Để em đến bên bờ ước mơ
Rồi năm tháng sông dài gió mưa
Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa
(Người Thầy, Nguyễn Nhất Huy)
Mail. vithailang@gmail.com
DT: 0975.0975.39